1. Một sáng nọ, bà Nguyễn Thị Thắm (trú tại Hà Đông, Hà Nội) nhận được cuộc điện thoại từ người đàn ông có giọng nói từ một tỉnh phía Nam rủ tham gia một thương vụ rất hời.
Ban đầu thanh niên này bảo chuẩn bị ra Hà Nội chơi sẽ qua thăm, tiện thể mang quà bạn bè gửi cho bà Thắm. Vốn trước kia bà có buôn bán tại TP HCM một thời gian nên bà nhận lời, và cho người thanh niên kia địa chỉ nhà tại phường La Khê, Hà Đông. Đến chiều tối, người thanh niên gọi lại cho bà Thắm và nói rằng bị lỡ chuyến bay nên chưa đến nhà được. Sau đó, đối tượng bật mí với bà Thắm rằng đang có một thương vụ làm ăn rất tốt, có thể kiếm trăm triệu chỉ trong một ngày.
Không để bà Thắm trả lời, đối tượng nói luôn rằng hắn đang làm việc tại một công ty xổ số. Và dịp này công ty đang có chương trình phối hợp với lực lượng công an “xóa sổ” các tiệm lô đề, bằng cách sẽ cho hàng ngàn người dân số trúng thưởng để chơi, và chắc chắn sẽ trúng 100%. Đặc biệt, người dân sẽ không phải mất tiền mà công ty xổ số sẽ cho người mang tiền đến tận nhà.
Nghe xong câu chuyện, bà Thắm đang bán tín bán nghi thì có một người đàn ông khác, gọi đến tự xưng là “giám đốc công ty sổ xố” và nói lại y hệt những nội dung trước đó. Đối tượng này cũng nói rằng do có quá nhiều người cùng đăng ký tham gia một lúc nên công ty hiện chưa có đủ tiền mặt, và nói bà Thắm cứ tự bỏ tiền ra chơi. Nếu trúng thì công ty chỉ lấy lại 50% số tiền thắng, còn nếu trượt, ngay ngày mai sẽ có người mang tiền đến trả cho bà.
Chiều hôm đó, bà Thắm đánh liều mang 22 triệu đồng ra tiệm ghi lô đề ở gần nhà để ghi một cặp số như các đối tượng đã cho. Quả nhiên đến lúc 19 giờ, cặp số này trúng một giải lô tô. Bà Thắm ẵm về nhà 80 triệu đồng. Cũng ngay sau đó bà nhận được điện thoại của người thanh niên ban sáng, nhắn bà chuyển lại 29 triệu đồng (50% số tiền thắng lô) vào một tài khoản cho hắn.
Sau khi bà Thắm chuyển khoản xong xuôi, các đối tượng tiếp tục gọi điện thoại cho bà rủ rê một thương vụ khác. Lần này, hắn cho biết sẽ cho bà một cặp số đề (chơi 1 ăn 70 lần) cũng “chắc chắn” thắng 100%. Tuy nhiên, bà Thắm muốn tham gia thương vụ tiếp theo thì phải nộp cho công ty số tiền là 5 tỷ đồng. Thấy bà Thắm có vẻ lưỡng lự, các đối tượng gọi lại cho bà và nói rằng, sau khi họp “hội đồng quản trị” đã giảm số tiền “đặt cọc” cho bà Thắm còn 2 tỷ đồng.
Bị mờ mắt bởi cách kiếm tiền quá dễ, bà Thắm vội ra ngân hàng chuyển đủ số tiền 2 tỷ đồng cho các đối tượng. Thế rồi chiều hôm đó, và nhiều hôm sau nữa, bà Thắm đều ghi số đề hàng trăm triệu đồng nhưng đều… trượt. Gọi điện hỏi thì các đối tượng nại ra đủ lý do, nào là bị kiểm toán kiểm tra, khi thì bị lỗi máy móc… nên không thể cho số chuẩn. Bà Thắm có ý đòi lại tiền cọc thì các đối tượng lảng dần rồi… biến mất.
Biết là mình bị lừa, bà Thắm đến cơ quan Công an trình báo.
Theo Trung tá Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Trung tâm khôi phục chứng cứ dữ liệu điện tử (Phòng 6) Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) Bộ Công an, qua những tài liệu mà bị hại cung cấp, Cơ quan công an tổ chức xác minh thì phát hiện một nguồn tiền bất thường được chuyển từ Hà Nội vào các tỉnh Đồng Nai, Tiền Giang.
Tiếp tục xác minh đối tượng qua công an một số tỉnh phía Nam thì được biết một số đơn vị nghiệp vụ như Cục Cảnh sát hình sự (C45) Bộ Công an, Công an tỉnh Tiền Giang… đã lập chuyên án đấu tranh nhằm triệt phá đường dây lừa đảo này. Tuy nhiên, các chuyên án đều bị “câu dầm” bế tắc khi chỉ dừng lại ở một đối tượng chuyên nhận tiền từ các bị hại chuyển đến. Còn các đối tượng chính của vụ án thì vẫn như bóng chim tăm cá.
Nhận được chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, C50 đã lập chuyên án, tổ chức điều tra nhóm đối tượng theo một hướng khác. Hàng chục cán bộ chiến sỹ của Phòng 6 được giao tổ chức trinh sát, sử dụng đồng loạt các biện pháp nghiệp vụ để truy tìm mọi dấu vết các đối tượng để lại, nhằm dựng lên chân dung và hành vi phạm tội của chúng.
Thượng úy Nguyễn Trọng Thắng, cán bộ Phòng 6 C50 cho chúng tôi biết, sau khi được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ, anh cùng các đồng đội đã tổ chức online 24/24h để săn lùng các đối tượng. Sau nhiều tháng kiên trì tìm kiếm, qua những cuộc gọi của đối tượng cho bị hại, những dấu vết của chúng để lại trên mạng Internet…, cơ quan Công an đã dựng lên một nhóm gồm 4 đối tượng có nhiều điểm nghi vấn.
Các đối tượng này bình thường tản ra các địa phương như Cần Thơ, Tiền Giang, TP HCM… Tuy nhiên, mỗi khi “có việc”, chúng tụ lại tại một căn nhà do đối tượng cầm đầu thuê ở TP HCM. Khi xong việc, bọn chúng lại tứ tán mỗi đứa một nơi.
Tiếp tục tổ chức bí mật giám sát những di biến động của các đối tượng, đồng thời thu thập các bằng chứng, ban chuyên án đã có được đầy đủ thông tin về đối tượng cầm đầu, các đối tượng giúp sức, thủ đoạn hoạt động, đường đi của dòng tiền và phương án ăn chia của bọn chúng. Khi thời cơ đã chín muồi, một tổ công tác gồm hàng chục cán bộ chiến sỹ Phòng 6 C50 đã có mặt tại TP HCM, đồng thời di chuyển đến Cần Thơ, Tiền Giang để chuẩn bị “cất vó”.
2. Theo Thượng úy Nguyễn Trọng Thắng, mặc dù có trong tay những tài liệu, chứng cứ rất “chắc” về đối tượng cầm đầu Lê Văn Nguyên (49 tuổi, trú tại TP Cần Thơ), song do đối tượng thường xuyên di chuyển chỗ ở nên việc truy bắt gặp rất nhiều khó khăn.
Có thể nói Nguyên là một kẻ ranh ma xảo quyệt, và sống liều lĩnh, bất cần. Chính hắn đã vạch ra thủ đoạn dùng nhiều sim điện thoại khác nhau, rồi lên mạng Internet tìm hàng trăm người dân ở Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc giao cho hai tay chân là Võ Văn Đầy (27 tuổi, trú tại tỉnh Đồng Tháp) và Trần Phước Minh (35 tuổi, trú tại TP HCM) gọi điện đến lừa cho số.
Sau khi gọi điện, bọn chúng sẽ ghi lại thông tin của từng người, nếu thấy kết quả lô đề trùng với người nào thì sẽ gọi lại đòi chia 50% tiền thắng. Đồng thời tiếp tục giở chiêu bài đặt cọc tiền để tiếp tục được cho số. Với thủ đoạn này, bọn chúng đã chiếm đoạt được nhiều tỷ đồng của các bị hại.
Một điểm tinh vi của Nguyên và đồng bọn là chúng không nhận tiền trực tiếp từ bị hại mà thông qua một đối tượng trung gian là Đặng Thị Hồng Hà (39 tuổi, trú tại Long An). Do có đăng ký kinh doanh dịch vụ chuyển tiền, Hà đứng ra làm đầu mối nhận tiền từ các bị hại chuyển đến, đồng thời “cắt phế” 20% trên tổng số tiền mỗi lần chuyển.
Tuy nhiên, Hà cũng rất ranh ma khi trên các hóa đơn chứng từ chỉ ghi tiền hoa hồng là 1%, đồng thời mua nhiều CMND từ các tiệm cầm đồ, sử dụng các giấy CMND giả, của những người đã chết… để đi rút tiền. Chính vì thế đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác xác minh, điều tra.
Cũng theo nhóm của Nguyên khai nhận, thông tin về các bị hại được chúng tra trên mạng Intetnet. Đặc biệt chúng tập trung vào những người mà bọn chúng phỏng đoán là sẽ có nhiều tiền (như những người đang rao bán nhà, đất, bán xe ô tô…). Trong trường hợp bà Thắm bị lừa hơn 2 tỷ đồng mà chúng tôi đã đề cập ở trên, bà cũng vừa bán đất được nhiều tỷ đồng.
Cơ quan công an còn làm rõ cũng với chiêu trò trên, một nhóm đối tượng gồm Huỳnh Thanh Thảo (49 tuổi, trú tại thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng); Thái Thanh Hùng (56 tuổi, trú tại đường Trần Phú, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) và một đối tượng tên là Mến đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của anh Lê Hồng Phương (trú tại Yên Dũng, Bắc Giang).
Bằng việc tra cứu trên mạng Internet, thấy anh Phương quảng cáo bán xe ô tô, Thảo gọi điện cho anh Phương giả vờ hỏi mua xe ô tô cho con một người thân làm ở Ban xổ số kiến thiết Thủ đô. Thảo cũng bật mí là người biết trước kết quả lô, đề và cho số. Anh Phương ghi và trúng 800 điểm lô, nên sau đó đã chuyển 23 triệu đồng vào tài khoản của các đối tượng.
Mấy ngày sau anh Phương tiếp tục gọi điện để xin số lô đề, thì đối tượng Hùng đề nghị anh Phương làm đại lý tại Bắc Giang, với số tiền phải đóng về công ty là 2 tỷ đồng; nếu đặt cọc trước 50% thì sẽ cho số đề giải đặc biệt. Anh Phương chấp nhận đóng cổ phần nhưng hiện giờ không có đủ tiền. Sợ “con mồi” bay mất, các đối tượng đồng ý để anh Phương nộp trước 300 triệu đồng.
Trước khi gửi tiền, anh Phương yêu cầu gặp trực tiếp người của công ty xổ số thì Hùng không đồng ý. Thấy có điều gì không đúng, anh Phương không chuyển tiền vào tài khoản mà các đối tượng yêu cầu. Hôm sau, Hùng tiếp tục cho anh Phương số 35 để đánh 2330 điểm lô nhưng không trúng thưởng. Trước khi cho anh Phương số lô, đề lần thứ ba thì các đối tượng sa lưới pháp luật.
Mới đây nhất, tháng 4-2017, hai đối tượng Nguyễn Văn Có (29 tuổi) và Lưu Giàu Em (27 tuổi, cùng trú tại Bạc Liêu) cũng giả danh là người của Hội đồng Công ty xổ số Thủ đô để lừa đảo chiếm đoạt của một bị hại tại Bắc Ninh số tiền hơn 2 tỷ đồng.
Lang thang trên mạng Internet, đối tượng Có phát hiện Công ty H.C của anh Nguyễn Văn Trương (41 tuổi, trú tại Bắc Ninh) mới thành lập nên đã gọi điện cho anh này nói rằng, anh ta quen người tên “Thịnh” làm ở Hội đồng Công ty xổ số Thủ đô.
Tin là thật, anh Trương đã liên hệ với “Thịnh” (tức Lưu Giàu Em) để tìm hiểu. Biết “con mồi” đã cắn câu, Lưu Giàu Em nói với anh Trương rằng, công ty đang có chương trình làm con số lô để xử lý các tụ điểm lô đề trên địa bàn và rủ anh Trương tham gia. Anh Trương nhận lời thì Có và Em đã yêu cầu anh Trương phải tham gia đánh 5.000 điểm lô mới cho số. Anh Trương đồng ý tham gia.
Ngày 29-4-2017, Em và Có bàn bạc chọn 2 con số ngẫu nhiên là 57 và 73 để cho anh Trương đánh lô đề. Kết quả xổ số ngày hôm đó có về số 57 giúp anh Trương thắng được số tiền 90 triệu đồng. Vài ngày sau Giàu Em yêu cầu anh Trương chia một nửa số tiền thắng theo thỏa thuận. Anh Trương đồng ý và chuyển tiền cho Giàu Em.
Tiếp đó Em và Có tiếp tục lừa anh Trương bằng cách thông báo, phía công ty có chương trình làm con số giải đặc biệt, anh Trương muốn tham gia góp cổ đông thì nộp số tiền 2 tỷ đồng. Với số tiền đóng góp, mỗi tháng anh Trương sẽ được công ty cho trước 3 con số giải đặc biệt. Tưởng thật, anh Trương đã chuyển 2 tỷ cho Có và Em. Nhận được tiền, Có và Em chia nhau sử dụng chi tiêu cá nhân hết.
Qua những vụ việc trên, Cơ quan công an khuyến cáo người dân cần hết sức cảnh giác với thủ đoạn lừa cho số lô đề trúng 100%. Sự thật là không có chuyện biết trước kết quả để cho số. Những người trúng chỉ là ngẫu nhiên.
Theo Thông tư 75/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết về hoạt động kinh doanh xổ số quy định chi tiết về địa điểm, thời gian quay thưởng, thiết bị quay số, người quay, thể lệ, quy trình và công bố kết quả mở thưởng đều rất chặt chẽ. Toàn bộ quy trình để cho ra kết quả xổ số đều có sự giám sát của hội đồng xổ số. Do đó, việc biết trước kết quả xổ số là không thể có.